Sáng mùng một Tết ra khỏi nhà, thở một hơi thật sâu, tìm cho mình một chút mùi hương mà bao năm qua mình vẫn nhớ, mùi của Tết. Nhưng dường như chỉ có mùi của tuyết quanh quẩn đâu đây. (Nina Hoang, Mỹ)


Mùi của Tết trong ký ức của tôi bắt đầu từ sau rằm tháng Chạp khi các chợ, các cửa hàng bắt đầu trang trí, trưng bày những mặt hàng Tết. Những cửa hàng bánh mứt, quần áo, những góc phố bày ra những cái bàn nho nhỏ với cái bảng có dòng chữ "nhận đánh bóng lư đồng" và không khí bắt đầu rộn ràng hơn khi gần đến ngày đưa ông Táo về trời. 
 
Những sạp dưa hấu, trái cây, bông hoa lấn chiếm lòng lề đường tạo nên cái rộn ràng tất bật cho những ngày đón xuân. Đường kẹt, xe đông, ai cũng cằn nhằn nhưng chính những cái bất thường này làm cho không khí mùa xuân thú vị hơn.


 
 
Nếu ở xứ này những ngày gần Giáng Sinh mọi người đều lo chuẩn bị quà cáp cho người thân của mình thì nơi quê mình, quà Tết cũng đã trở thành một thông lệ. Ít nhiều gì cũng có gọi là quà Tết, biếu qua biếu lại, biếu tới biếu lui, không nhiều thì ít, chỉ cần nghĩ đến nhau là vui rồi. Bao nhiêu thứ để làm, bao nhiêu chuyện để lo. 
 
Khi còn nhỏ cảm nhận về Tết hoàn toàn khác khi đã trường thành, có trách nhiệm với gia đình. Càng lớn càng thương ba mẹ mỗi khi Tết về. Áp lực đổ lên vai của người lớn khi Tết gần về từ dọn dẹp nhà cửa, đến làm bánh mứt và lo quà cáp cho mọi người. Sau này điều kiện cuộc sống dễ dàng hơn, mọi thứ dường như đã có sẵn, chỉ cần ra chợ là có đủ thứ nhưng chính những tháng ngày còn phải làm từng miếng mứt gừng, mứt dừa, dưa món hay củ kiệu lại in đậm trong ký ức của tôi. 
 
Cái mùi của Tết được hình thành từ những mùi của các chảo mứt thơm phức, mùi củ kiệu nồng nồng. Những mùi rất riêng không thể quên được. Sẽ không thể có Tết nếu không có mùi bánh chưng bánh tét, và sẽ thiếu Tết nếu không có những lúc ngồi làm nhân, gói bánh hay thức khuya nấu bánh chưng.
 
Cả một nhà bao nhiêu là thứ, từ nếp, đậu, thịt đến lá dông, dây lạt. Rộn ràng là vậy, tưng bừng chỉ có bấy nhiêu. Mùi thơm của nếp, của đậu và thịt cứ quyện vào nhau, dù bánh chưa hình thành nhưng cũng đủ làm cho ta nghĩ đến cái ngon của bánh. Rồi tiếng lửa tí tách, mùi nhựa chảy ra từ củi, ánh lửa bập bùng in đậm ký ức những người đi xa...
 
Nhớ những khi đi chợ khuya, mua hoa, mua dưa hấu, tiếng gõ boong boong trên từng trái dưa hấu nghe thấy hay hay. Những tháng ngày đi tận Thủ Đức tìm mua một chậu mai rồi gọi xe chở về, sang thì xích lô hay ba gác máy, không nhiều tiền thì tàng tàng chạy theo chiếc xích lô đạp. Cái cảm giác hồi hộp mong cho ngày mùng một ngủ dậy hoa mai vàng rực cả nhà, chỉ để ba mẹ vui, bởi ông bà có niềm tin năm nay sẽ tốt. Rồi những tập tục không được quét nhà ngày mùng một, dù có rác thì chỉ quét gom vào một góc trong nhà, đợi mùng 2 mới hốt rác đem đi đổ.
 
Ba mươi Tết, hối hả hơn bao giờ hết vì giờ rước ông bà gần đến, làm mâm cơm cúng thật thịnh soạn mời ông bà về ăn Tết. Sau bữa cơm trưa, mọi thứ dường như hơi lắng lại, đường phố cũng êm ả hơn khi ai về nhà nấy, sửa soạn chuẩn bị cho buổi tối rước giao thừa.
 
Tôi vẫn thích cái cảm giác buổi chiều chạy trên các con đường rộng thênh thang đi tìm mua thêm vài chậu hoa cúc, hoa thọ, vừa được giá rẻ vừa giúp được người bán mau hết hàng để họ về ăn Tết cùng gia đình.
 
Tối, những giờ đồng hồ cuối cùng của năm, tranh thủ dọn dẹp những gì cuối cùng nhất, chăm từng thứ một với mong muốn mọi thứ hoàn hảo hơn. Mọi việc xong xuôi, khi thì theo mẹ đi chùa tụng thời kinh tối, khi thì chạy đi loanh quanh hi vọng tìm mua thêm vài thứ giờ chót. Trong cái tĩnh lặng của đêm, tôi thương nhất hình ảnh những người công nhân vệ sinh, họ quét dọn đường phố sau khi các sạp trái cây và hoa quả dọn đi, để sau giờ giao thừa, đường phố sẽ sạch sẽ hơn cho mọi người đi lễ hay xin lộc đầu năm.
 
Cái không khí thiêng liêng của giờ khắc giao thừa, chẳng ai nói năng gì nhiều nhưng tôi biết chắc trong lòng ai cũng mong muốn qua năm mới, mọi việc sẽ tốt đẹp hơn và cuộc sống sẽ thoải mái hơn. Những mâm cơm gia đình, những sòng bài tại gia, những bao lì xì trao cho nhau đã in đậm trong tôi, bởi đó là những khoảnh khắc cả nhà vang vọng tiếng cười nhiều nhất.
 
Mùi của Tết, bao nhiêu thứ gom lại để hình thành một cái mùi mà bao năm qua tôi không thể quên. Mỗi năm một lần, tôi chôn mình trong ký ức để nhớ lại cái mùi mà tôi vẫn mong được một lần ngửi được nơi quê hương của mình.
 

Nina Hoàng - VNExpress